HỌC SƠ CẤP CỨU ĐỂ "NGƯỜI BÊN CẠNH CÓ THỂ CỨU NGƯỜI BÊN CẠNH"
Tác giảAdministrator
Việc trang bị kiến thức Sơ cấp cứu giống như bảo hiểm sức khỏe, không mong dùng đến nhưng nhất định phải có, để giúp bản thân, người thân và những người xung quanh khi cần.
 

Chỉ trong 01 tháng vừa qua đã xảy ra 03 thảm kịch dẫn đến cái chết của hàng trăm người:

  • Ngày 01/10/2022 tại Indonesia: Hơn 130 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp và bạo loạn xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java của Indonesia.
  • Ngày 29/10/2022 tại Hàn Quốc: Hàng chục nghìn người tham gia lễ hội Halloween tại Itaewon, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã gây ra vụ giẫm đạp kinh hoàng khiến hơn 150 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương.
  • Ngày 30/10/2022 tại Ấn Độ: Gần 500 người đã tập trung trên một cây cầu treo ở bang Gujara, miền Tây Ấn Độ để tổ chức lễ hội tôn giáo. Lượng lớn người tập trung đã làm cây cầu sập xuống và khiến nhiều người rơi xuống sông. Tính đến nay, có ít nhất 132 người thiệt mạng.

Trong các thảm họa xảy ra nơi đông người, theo các chuyên gia, nguyên nhân tử vong chủ yếu là do nạn nhân không thở được khiến tim ngừng đập. Sau 4 phút tim ngừng đập, não bắt đầu chết và không có khả năng hồi phục. Mỗi phút qua đi, cơ hội sống của nạn nhân giảm khoảng 10%. Việc hồi sức hiếm khi thành công nếu tiến hành sau hơn 10 phút kể từ thời điểm ngừng tim.

Trong vụ giẫm đạp tại Hàn Quốc, mặc dù công tác cứu hộ được triển khai nhanh chóng, tuy nhiên số lượng nạn nhân quá đông khiến cho nhân viên cứu hộ phải huy động nhiều người dân cùng tham gia sơ cứu, hồi sinh tim phổi (ép tim – thổi ngạt) cho các nạn nhân. Các video tại hiện trường cho thấy số lượng nạn nhân trong thảm kịch đã vượt quá tầm kiểm soát của giới chức Hàn Quốc tại thời điểm đó.

Trong tình huống này, cả nạn nhân và nhân viên cứu hộ đều cần nhận được hỗ trợ từ người dân xung quanh. Tại hiện trường vụ việc, rất nhiều người dân đã cùng nhân viên cứu hộ tham gia sơ cứu, hồi sinh tim phổi (ép tim – thổi ngạt) cho các nạn nhân.

Việc trang bị kiến thức Sơ cấp cứu đối với mỗi người dân cũng giống như bảo hiểm sức khỏe, không mong dùng đến nhưng nhất định phải có, để giúp bản thân, người thân và những người xung quanh khi cần.

Một buổi đào tạo Sơ cấp cứu của SAFI trong Bản tin Cuộc sống 24h ngày 01/11/2022 của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.