5 LẦM TƯỞNG VỀ ĐUỐI NƯỚC
Tác giảAdministrator

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có đến hơn 2000 trẻ em tử vong do đuối nước hàng năm ở Việt Nam. Còn với người lớn, nguy cơ đuối nước luôn thường trực trong các chuyến đi biển đảo, đặc biệt khi các quy trình an toàn không được tuân thủ đầy đủ. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều hiểu lầm về đuối nước và an toàn sông nước dẫn đến những hậu quả đau lòng.

5 lầm tưởng về đuối nước

1. Chỉ người không biết bơi mới đuối nước

  • Sau khi học được ít nhất một kiểu bơi, nhiều người dễ có tâm lý chủ quan, cho rằng mình chắc chắn sẽ không bị thủy thần cuốn đi. Điều này là sai lầm, vì người biết bơi vẫn có khả năng bị đuối nước vì nhiều lý do khác nhau như: chuột rút, kiệt sức…
  • Một trường hợp khác là dòng chảy xa bờ (rip currents). Đây là hiện tượng dòng nước rút ra ngoài khơi sau khi bị sóng đưa vào bờ. Do dòng chảy rất mạnh, nhiều người bị đuối nước khi cố gắng bơi ngược dòng về bờ.
  • Bên cạnh đó, không phải kiểu bơi nào cũng phù hợp giúp bạn thoát thân. Điển hình như bơi bướm là kiểu bơi dùng nhiều sức lực và thiên về kỹ thuật, phù hợp để thi đấu hơn là cho mục đích sống còn. Thay vào đó, những kiểu bơi nhẹ nhàng, ít tốn sức như bơi ếch, bơi sải…sẽ hiệu quả hơn nếu chẳng may bị ngã xuống nước.

2. Đuối nước chỉ xảy ra khi chúng ta ở dưới nước

  • Nếu nạn nhân vẫn tỉnh táo sau khi được cứu lên bờ, nhiều người dễ tưởng nhầm là nạn nhân đã an toàn. Trên thực tế, đuối nước vẫn có thể xảy ra sau giai đoạn này.
  • Đuối nước thứ phát (secondary drowning), nó xảy ra nếu nước vào phổi, gây kích ứng niêm mạc phổi và chất lỏng có thể tích tụ, gây ra tình trạng gọi là phù phổi. Đặc biệt, triệu chứng của đuối nước thứ phát có thể biểu hiện vài giờ, thậm chí vài ngày sau khi được cứu.
  • Đuối nước thứ phát chỉ chiếm 1-2% các ca đuối nước, nhưng lại gây tử vong rất nhanh nếu không phát hiện kịp thời. Do đó, trong vòng 72 giờ sau tai nạn mà nạn nhân có biểu hiện ho, tức ngực, chóng mặt, nói chuyện khó khăn, sùi bọt mép…phải can thiệp y tế ngay lập tức.

3. Người đuối nước sẽ luôn kêu cứu

  • Nhắc đến đuối nước, hình ảnh chúng ta thường nghĩ đến là một người cố gắng vùng vẫy, la hét khi bị rơi xuống nước. Và như vậy thì ai có mặt ở đó đều sẽ nghe tiếng họ mà ứng cứu.
  • Điều này không sai, nhưng cũng không đúng hoàn toàn. Có những tình huống đuối nước xảy ra rất nhanh và thầm lặng mà không ai hay biết, chẳng hạn vụ nam thanh niên chết đuối ngay giữa hồ bơi đông người. Điều này xảy ra do nạn nhân kiệt sức vùng vẫy nên không còn sức lực kêu cứu, hoặc môi trường xung quanh ồn ào nên không ai để ý tiếng kêu cứu của họ.

4. Chỉ cần biết bơi là cứu được người bị đuối nước

  • Trong phim ảnh hoặc truyện tranh, không hiếm gặp những phân cảnh nhân vật biết bơi lao ra cứu người đuối nước một cách ngoạn mục. Nhưng đời thực thì không đơn giản như vậy.
  • Do hoảng loạn, một người đuối nước sẽ vùng vẫy, bám chặt vào bất cứ thứ gì họ với được. Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị sức nặng và lực kéo của họ lôi xuống khiến bạn không thể bơi tiếp.
  • Trừ khi bạn đã được tập huấn về cứu hộ chuyên nghiệp, tuyệt đối không nhảy xuống nước cứu người dù biết bơi. Nếu thấy người đuối nước, điều bạn cần làm là:
    • Hô hoán, ra hiệu cho người xung quanh ứng cứu, gọi tới số cấp cứu.
    • Nếu có thể, tìm một cành cây dài, phao hoặc sợi dây thả xuống cho nạn nhân bám vào kéo lên.
    • Khi đưa được nạn nhân lên bờ hãy đánh giá tình trạng của nạn nhân. Tiến hành ép tim - thổi ngạt (CPR) ngay nếu nạn nhân không tỉnh + không thở.

5. Chết đuối chỉ xảy ra ở sông hồ, biển cả

  • Chúng ta thường thấy đuối nước ở những vùng nước lớn như sông, hồ hay biển. Nhưng thực tế, đuối nước có thể xảy ra ở bất cứ đâu.
  • Đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ đuối nước trong những đồ vật gia dụng hàng ngày như bồn tắm, xô nước hay thậm chí toilet. Những tai nạn này nguy hiểm ở chỗ, chúng diễn ra ở nơi nước nông, tiết diện hẹp khiến trẻ không thể nổi hoặc bơi theo phản xạ.

Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết của SAFI, hi vọng những thông tin trên sẽ có ích đối với bạn đọc.

---------------------------

Để tìm hiểu thông tin về các khóa học sơ cấp cứu, các thông tin khác về sức khỏe, hãy theo dõi thông in tại chuyên mục kiến thức trên website Safi và kênh facebook Dr Safi - Đào tạo sơ cấp cứu chuẩn Hoa Kỳ. Chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin các khóa học và chia sẻ các thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu.

Doanh nghiệp có thể đăng ký học sơ cấp cứu tại đây

SAFI hân hạnh đồng hành cùng 1Life túi sơ cứu cung cấp túi sơ cứu cho cá nhân, trường học, doanh nghiệp.

---------------------------

DR SAFI - ĐÀO TẠO SƠ CẤP CỨU CHUẨN HOA KỲ

“NGƯỜI BÊN CẠNH CỨU NGƯỜI BÊN CẠNH”

 

Tel: 024.6656.8268  |  Email: info@safi.asia  |  Web: https://safi.asia

VP Hà Nội: Tầng 5 Số 59, Ngõ 5, Láng Hạ, Q. Ba Đình

VP TP. Hồ Chí Minh: P.302, 124 Bạch Đằng, P. 2, Q. Tân Bình

Bài viết liên quan