Đánh giá nạn nhân một cách bình tĩnh, nhanh chóng và chính xác giúp đưa ra phương án xử trí thích hợp. Gọi hỗ trợ tưởng chừng là việc đơn giản nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng. Chuẩn bị sẵn túi sơ cứu đầy đủ cũng hết sức cần thiết vì nó cung cấp những công cụ để ổn định nạn nhân cho đến khi có sự trợ giúp.
I. Nguyên tắc tiếp cận, đánh giá ban đầu
-
-
Đánh giá hiện trường
-
1.1 Giữ bình tĩnh
Mặc dù bạn cần phải hành động nhanh chóng và dứt khoát nhưng điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh. Điều này không chỉ đảm bảo rằng bạn sáng suốt đưa ra quyết định đúng đắn mà còn tạo ra sự yên tâm cho nạn nhân, làm họ tin tưởng ở bạn nhiều hơn. Sự hoảng loạn có thể gây thêm tổn thương và làm chậm trễ việc sơ cứu.
Một số gợi ý dưới đây có thể giúp bạn giữ bình tĩnh:
-
Hít thở sâu
-
Tập trung vào nhu cầu trước mắt của nạn nhân hơn là suy nghĩ đến những kết cuộc xấu có thể xảy ra.
-
Hãy trấn an bản thân rằng bạn đang giúp đỡ người khác và làm điều tốt nhất có thể.
1.2 Đảm bảo hiện trường an toàn
Trước khi đánh giá nạn nhân, điều quan trọng nhất là phải kiểm tra xem khu vực đó có an toàn cho bạn và nạn nhân hay không.
Các mối nguy hiểm có thể bao gồm: xe cộ (trong tai nạn giao thông), điện (tai nạn điện giật), nước sâu hoặc nước chảy xiết (tai nạn đuối nước), khói và lửa (tai nạn hoả hoạn), … Bạn nên tận dụng tất cả các giác quan để đánh giá hiện trường.
Hình 1: Để đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh chạm vào nạn nhân bị điện giật nếu nguồn điện chưa được ngắt (Nguồn: SAFI SERVICES.,JSC)
1.3 Hạn chế di chuyển nạn nhân
Tránh di chuyển nạn nhân, trừ khi thực sự cần thiết (chẳng hạn như hoả hoạn hoặc cần cho nạn nhân nằm ngửa trên nền phẳng, cứng để thực hiện hồi sức tim phổi). Di chuyển nạn nhân có thể làm vết thương trầm trọng hơn, đặc biệt nếu nạn nhân có chấn thương cột sống.
1.4 Giới thiệu bản thân (nếu nạn nhân còn giao tiếp được):
Hãy giới thiệu bản thân và xin phép được giúp đỡ họ, điều này có thể giúp nạn nhân bình tĩnh lại.
1.5 Sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân
Trước khi sơ cứu, nếu có thể, bạn hãy sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân như găng tay và khẩu trang để bảo vệ bản thân và nạn nhân khỏi nguy cơ bị lây nhiễm.
-
Đánh giá nạn nhân
2.1 Đánh giá sự tỉnh táo của nạn nhân
Vừa vỗ vai (trẻ nhũ nhi thì vỗ vào lòng bàn chân), vừa gọi to nạn nhân “anh/chị có ổn không?”. Nên gọi tên của nạn nhân nếu bạn biết tên. Nếu nạn nhân còn tỉnh, nạn nhân sẽ: (1) mở mắt hoặc (2) có cử động và có khả năng trả lời các câu hỏi hoặc (3) không nói được nhưng vẫn có khả năng hợp tác với lời nói của bạn.
2.2 Đánh giá thở của nạn nhân
Bộc lộ ngực nạn nhân, bạn sẽ thấy lồng ngực di động lên xuống nếu nạn nhân còn thở. Quá trình đánh giá không được tốn quá 10 giây và không được ít hơn 5 giây. Thở ngáp cá, được biểu hiện bằng thở chậm nông, nạn nhân lúc thở lúc không và kèm theo những âm thanh bất thường cũng được xem như là ngưng thở.
Hình 2: Cách kiểm tra hơi thở nạn nhân. Chú ý tiến hành động tác ngửa cổ nâng cằm để khai thông đường thở cho nạn nhân nếu không có nghi ngờ chấn thương cột sống cổ. Ở trẻ nhũ nhi, đầu nên giữ ở tư thế trung tính (nguồn: adamimages.com)
2.3 Đánh giá mạch
Hãy kiểm tra động mạch cảnh (động mạch cánh tay đối với trẻ nhũ nhi) ở nạn nhân không còn phản ứng. Động mạch cảnh nằm giữa cơ cơ ức đòn chũm và khí quản. Kiểm tra động mạch cảnh bằng 2 ngón tay và cảm nhận mạch đập ở phía bên cổ gần người sơ cứu hơn. Việc đánh giá mạch và hơi thở nên được tiến hành cùng lúc và không được tốn quá 10 giây.
Hình 2: Cách đặt 2 ngón tay để bắt động mạch cảnh (nguồn: adamimages.com)
-
Thực hiện các đánh giá bổ sung
Sau khi kiểm tra ý thức, hơi thở, mạch của nạn nhân và gọi cấp cứu, bước tiếp theo trong việc đánh giá nạn nhân bao gồm đánh giá chảy máu, đánh giá có hệ thống và thu thập thông tin để hỗ trợ chăm sóc ngay tại hiện trường.
3.1 Kiểm tra chảy máu nghiêm trọng
Nhanh chóng quan sát cơ thể nạn nhân xem có dấu hiệu chảy máu nghiêm trọng nào không.
3.2 Kiểm tra đồ trang sức hoặc thẻ cảnh báo y tế
Tìm kiếm bất kỳ vòng tay, dây chuyền hoặc thẻ cảnh báo y tế nào có thể cung cấp thông tin về bệnh sử hoặc tình trạng bệnh lý của nạn nhân (đái tháo đường, động kinh, dị ứng…)
3.3 Đánh giá một cách có hệ thống từ đầu đến chân
-
Đầu và mặt
-
Kiểm tra đầu xem có chảy máu và biến dạng hay không.
-
Kiểm tra tai xem có máu hoặc chảy dịch ra hay không.
-
Kiểm tra mắt xem có phản ứng với ánh sáng và đồng tử có kích thước bằng nhau không.
-
Kiểm tra mũi xem có chảy máu hay biến dạng không.
-
Kiểm tra miệng xem có máu và răng có bị mất không.
-
Lắng nghe nạn nhân nói xem có bị khàn giọng hoặc khó hói hay không.
-
Bảo nên nhân cười xem cơ mặt có đối xứng hai bên hay không.
-
Cổ
-
Kiểm tra xem có vết bầm tím, chảy máu hoặc biến dạng không
-
Ngực
-
Kiểm sự sự cân đối, di động lên xuống, bầm tím, chảy máu
-
Sờ nắn để tìm cảm giác đau và có tiếng lép bép dưới da hay không
-
Bụng
-
Kiểm tra vết bầm tím, chảy máu, vết thương xuyên thấu
-
Sờ nắn xem có đau, cứng hay đề kháng hay không
-
Tứ chi
-
Kiểm tra chảy máu, bầm tím, biến dạng.
-
Sờ để xem chi có bị lạnh hay không
-
Yêu cầu nạn nhân nâng chi để xác định yếu/liệt
-
Lưng
-
Kiểm tra tình trạng chảy máu, bầm tím, biến dạng. Sờ nắn để tìm cảm giác đau.
3.4 Theo dõi dấu hiệu sinh tồn
Thường xuyên kiểm tra lại mạch, nhịp thở, mức độ tỉnh táo của nạn nhân.
4. Gọi hỗ trợ
Bạn hãy hô to cho người xung quanh nghe thấy để nhận thêm sự giúp đỡ và nhờ họ mang bộ dụng cụ sơ cứu đến (và cả máy khử rung tim tự động bên ngoài nếu nơi bạn ở có trang bị). Tiếp theo, hãy gọi 115 nếu bạn nghĩ nạn nhân cần được trợ giúp y tế.
Có hai lưu ý mà bạn cần thực hiện khi gọi đến các số điện thoại khẩn cấp:
-
Không được tự ý ngắt máy bởi vì người tiếp nhận cuộc gọi có thể cần thêm thông tin hoặc ra chỉ dẫn cho bạn cách sơ cứu nạn nhân.
-
Bật loa ngoài để bạn được rảnh tay và có thể thực hiện sơ cứu, giúp bạn nghe rõ hơn và nhiều người khác cũng nghe thấy hướng dẫn.
Hình 2: Khi gọi đến số cấp cứu bạn nhớ bật loa ngoài và lắng nghe cẩn thận hướng dẫn của người điều phối cấp cứu (nguồn: SAFI SERVICES.,JSC)
-
Cách xử trí một số tình huống nguy cấp sau khi đánh giá và theo dõi nạn nhân
-
Nếu nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn thở bình thường: đặt họ ở tư thế hồi phục để duy trì đường thở thông thoáng và tránh hít sặc.
-
Nếu nạn nhân không thở và không có mạch: thực hiện hồi sức tim phổi.
-
Nếu nạn nhân bị chảy máu: dùng vải hoặc gạc sạch đè trực tiếp lên vết thương để cầm máu.
-
Cũng cần chú ý không được cho nạn nhân ăn/uống bất cứ thứ gì nếu họ không còn tỉnh táo
-
Ở lại theo dõi và trấn an nạn nhân cho đến khi nhân viên y tế tới.
II. Túi sơ cứu
Bộ dụng cụ sơ cứu chứa những vật dụng quan trọng có thể dùng trong các tình huống đe dọa tính mạng, chẳng hạn như mặt nạ dùng cho hồi sức tim phổi và ga rô.
Hình 4: Mặt nạ hồi sức tim phổi (SAFI SERVICES.,JSC)
Một bộ sơ cứu đầy đủ cũng cho phép giảm mức độ nghiêm trọng của vết thương, ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn, chẳng hạn như nẹp gãy xương và băng ép cầm máu.
Hình 5: Nẹp cố định gãy xương (trái) và băng thun ép (phải) (Nguồn: SAFI SERVICES.,JSC)
Bộ dụng cụ sơ cứu cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng cho nạn nhân qua việc dùng băng, gạc để che chở vết thương và dùng thuốc sát trùng được trang bị sẵn.
Bộ dụng cụ sơ cứu cũng giúp bảo vệ người sơ cứu khỏi nguy cơ bị lây nhiễm bằng việc trang bị găng tay.
Hình 6: Găng tay nên dùng trong trường hợp tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của nạn nhân để đề phòng lây nhiễm (Nguồn: SAFI SERVICES.,JSC)
Sở hữu một bộ sơ cứu còn giúp bạn tiết kiệm tiền bằng cách giảm nhu cầu can thiệp y tế chuyên nghiệp đối với những vết thương nhẹ có thể điều trị tại chỗ. Hơn nữa, bạn luôn yên tâm vì bạn luôn có các công cụ và vật dụng cần thiết để xử lý trong các trường hợp khẩn cấp. Ở nhiều nơi làm việc, việc trang bị túi sơ cứu còn là yêu cầu pháp lý để đảm bảo an toàn cho nhân viên và tuân thủ các quy định về sức khỏe và an toàn lao động.
Tóm lại, trong các tình huống khẩn cấp, việc đảm bảo an toàn tại hiện trường, đánh giá ý thức và hơi thở của nạn nhân cũng như kêu cứu là những bước quan trọng có thể cứu lấy mạng sống. Ngoài ra, việc chuẩn bị sẵn túi sơ cứu sẽ giúp chăm sóc và ổn định nạn nhân ngay lập tức cho đến khi có sự trợ giúp.
Để tìm hiểu thông tin về các khóa học sơ cấp cứu, các thông tin khác về sức khỏe, hãy theo dõi thông tin tại chuyên mục kiến thức trên website Safi và kênh facebook Dr Safi - Đào tạo sơ cấp cứu chuẩn Hoa Kỳ. Chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin các khóa học và chia sẻ các thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu.
Doanh nghiệp có thể đăng ký học sơ cấp cứu tại: https://forms.gle/vGJtX8T93pCKg69JA