NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY ĐỘT QUỴ
Tác giảKiều Hải Yến

Đột quỵ là một biến cố cấp tính ở não, để lại hậu quả nặng nề cho cả người bị đột quỵ và gia đình. Vậy bạn đã biết gì về căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến 15 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới?

​1. Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là biến cố xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não của chúng ta bị giảm hoặc mất hoàn toàn do mạch máu não bị tắc hoặc bị vỡ. Hệ quả là vùng não đó không còn được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để có thể duy trì hoạt động và tồn tại. Nếu tình trạng này không được chữa trị kịp thời, vùng não bị ảnh hưởng có thể bị “chết” hoàn toàn, và không thể khôi phục chức năng bình thường như trước.

Những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Hình 1: Đột quỵ thể xuất huyết (nguồn: stroke.org, safi.asia Việt hoá)

Mỗi năm, đột quỵ là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới và 5 triệu người tàn phế hoặc chịu những di chứng sau đột quỵ. Vì vậy, điều tối quan trọng khi một người có biểu hiện của đột quỵ là cần gọi ngay cấp cứu 115 và có hướng sơ cứu thích hợp.

2. Những ai có nguy cơ đột quỵ?

Những người có một hoặc một vài yếu tố nguy cơ đột quỵ như dưới đây sẽ có nguy cơ gặp phải biến cố đột quỵ cao hơn những người không có yếu tố nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ được chia làm 2 nhóm: có thể thay đổi được và không thể thay đổi.

2.1. Những yếu tố nguy không thay đổi được

  • Tuổi cao: Cùng với tiến trình lão hóa, mạch máu càng bị xơ cứng và càng hẹp lại khi tuổi ngày càng cao khiến nguy cơ đột quỵ tăng lên theo tuổi tác.

  • Yếu tố chủng tộc: Với cơ chế còn chưa được hiểu rõ, những người Nam Á, da màu châu Phi và da màu khu vực Caribê có nguy cơ đột quỵ cao hơn các chủng tộc khác.

  • Yếu tố gia đình: Tiền sử trong gia đình có người từng bị đột quỵ cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ bị đột quỵ.

  • Yếu tố gene: Một số bệnh lý liên quan đến bất thường về gene dẫn đến việc máu dễ đông hơn những người bình thường. Khi cục máu đông hình thành và lưu thông trong mạch máu sẽ khiến tắc mạch tại một vị trí mà nó không thể đi qua. Nếu vị trí tắc mạch là ở mạch máu não thì khi đó đột quỵ xảy ra.

  • Giới: Nữ giới nguy cơ đột quỵ cao hơn nam giới do nữ giới sống thọ hơn nam giới.

2.2. Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

Những yếu tố nguy cơ dưới đây làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, tuy vây, nếu được điều chỉnh và điều trị phù hợp thì cũng giảm thiểu được nguy cơ đột quỵ cho những người mang yếu tố nguy cơ.

  • Lối sống: Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, sử dụng rượu bia và thuốc lá, ít vận động, thừa cân, béo phì là những yếu tố nguy cơ về lối sống làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Cần thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, vận động thể dục thể thao, ăn ngủ đúng giờ để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.

Những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Hình 2: Chế độ ăn uống nhiều rau củ rất có lợi cho sức khoẻ tim mạch (nguồn: Heart and Stroke Foundation of Canada)

  • Các bệnh lý nền: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh rối loạn nhịp tim (nguy cơ cao nhất là rung nhĩ) … là các bệnh lý phổ biến làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.
Thay đổi lối sống lành mạnh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kì và tham gia học khóa sơ cấp cứu để sẵn sàng ứng phó khi gặp nạn nhân là người thân và những người xung quanh bị đột quỵ có thể cứu sống và giảm thiểu tổn thương lâu dài. Học sơ cấp cứu không chỉ giúp bạn bảo vệ chính bản thân và những người thân thiết mà còn tạo nên một cộng đồng an toàn và sẵn sàng đối mặt với các tình huống khẩn cấp. Đây là kỹ năng quan trọng, nên được phổ cập trong gia đình, trường học, và nơi làm việc để đảm bảo mọi người đều có khả năng ứng phó khi cần thiết.
Doanh nghiệp, cá nhân đăng ký học sơ cấp cứu tại: https://forms.gle/vGJtX8T93pCKg69JA
---------------------------
DR SAFI - ĐÀO TẠO SƠ CẤP CỨU CHUẨN HOA KỲ
“NGƯỜI BÊN CẠNH CỨU NGƯỜI BÊN CẠNH”
Tel: 024.6656.8268 | Hotline/Zalo: 037 627 9600
Email: info@safi.asia | Web: https://safi.asia
VP Hà Nội: Tầng 5 Số 59, Ngõ 5, Láng Hạ, Q. Ba Đình
VP TP. Hồ Chí Minh: P.302, 124 Bạch Đằng, P. 2, Q. Tân Bình

Bài viết liên quan