NHỮNG GIẢI PHÁP HỮU ÍCH ĐỂ ĐỘT QUỴ KHÔNG QUAY TRỞ LẠI
Tác giảKiều Hải Yến

Đột quỵ tái phát thường để lại di chứng nặng nề hơn so với lần trước đó. Các tổn thương não ở những lần đột quỵ sau cũng nghiêm trọng hơn và rất khó có thể phục hồi lại như ban đầu. Do đó, kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và thay đổi lối sống sẽ đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa đột quỵ quay trở lại. 

Theo số liệu từ Đại học Y khoa Harvard, tỷ lệ đột quỵ tái phát khá cao, khoảng một phần tư số ca đột quỵ hàng năm ở Hoa Kỳ là do tái phát. Tương tự, trong vòng một năm khoảng một phần ba số ca đã từng có cơn thiếu máu não thoáng qua, sau đó có thể bị đột quỵ. Đột quỵ tái phát thường để lại di chứng nặng nề hơn so với lần trước đó. Các tổn thương não ở những lần đột quỵ sau cũng nghiêm trọng hơn và rất khó có thể phục hồi lại như ban đầu. Do đó, kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và thay đổi lối sống sẽ đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa đột quỵ quay trở lại. 

1. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Các bệnh lý như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, tăng lipid máu cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi thường xuyên để đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ giúp bạn điều chỉnh liều, thay đổi thuốc… để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.

2. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ

2.1. Kiểm soát huyết áp

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ. Nếu không kiểm soát tốt huyết áp, nguy cơ đột quỵ tái phát sẽ rất cao. Bệnh nhân bị tăng huyết áp có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 - 6 lần so với bệnh nhân có huyết áp bình thường. Để kiểm soát huyết áp cần áp dụng chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm stress và uống các loại thuốc hạ huyết áp theo đơn của bác sĩ. Cần lưu ý, các thuốc huyết áp chỉ có tác dụng khi được sử dụng thường xuyên mỗi ngày. Bệnh nhân không nên tự ý ngưng thuốc hoặc giảm liều khi không có ý kiến của bác sĩ.

Những giải pháp để đột quỵ không quay trở lại - SAFI đào tạo sơ cấp cứu

Hình 1: Nên thường xuyên kiểm tra huyết áp để đánh giá hiệu quả của các biện pháp can thiệp (nguồn: heart.org)

2.2. Kiểm soát bệnh tim

Bệnh lý tim nguy hiểm nhất liên quan đến đột quỵ là rung nhĩ. Rung nhĩ là tình trạng nhịp tim không đều gây ra cục máu đông hình thành trong tim và nhanh chóng di chuyển đến nơi khác, có thể gây tắc nghẽn các mạch máu não. Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quy cao gấp 5 lần so với bình thường. Việc sử dụng các thuốc kiểm soát nhịp tim và thuốc kháng đông lâu dài có thể giúp giảm bớt nguy cơ gây ra đột quỵ do rung nhĩ.

Những giải pháp để đột quỵ không quay trở lại - SAFI đào tạo sơ cấp cứu

Hình 2: Cơ chế bệnh rung nhĩ (nguồn: heart.org, Việt hoá: safi.asia)

2.3. Kiểm soát bệnh đái tháo đường

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, nguy cơ đột quỵ có thể  tăng gấp 3 lần. Cần có chế độ ăn phù hợp để kiểm soát lượng đường trong máu và sử dụng các thuốc hạ đường huyết có thể giúp người bệnh hạn chế tối đa những biến chứng của bệnh.

2.4. Kiểm soát mỡ trong máu

Tăng cholesterol trong máu có thể dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa bám vào thành mạch máu. Kiểm soát tốt hàm lượng cholesterol trong máu bằng chế độ ăn thích hợp (kiêng mỡ động vật và các thức ăn giàu cholesterol), tập thể dục thường xuyên và sử dụng các loại thuốc chuyên biệt có thể làm giảm cholesterol máu.

3. Thay đổi lối sống

3.1. Không hút thuốc lá: 

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ rất nguy hiểm của đột quỵ. Thuốc lá làm gia tăng hình thành các cục máu đông và các mảng xơ vữa mạch máu. Ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ tái phát.

3.2. Tập thể dục thường xuyên: 

Tập thể dục góp phần kiểm soát cân nặng và hạ huyết áp. Tập thể dục cũng có vai trò như một phương pháp giảm đột quỵ độc lập. Nên duy trì 30 phút thể dục với cường độ trung bình mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày trong tuần.

3.3. Áp dụng chế độ ăn lành mạnh

Bạn nên tập trung vào kế hoạch ăn uống xoay quanh rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, protein từ thực vật và cá. Hạn chế carbohydrate tinh chế, thịt chế biến sẵn và đồ uống có đường. Bạn cũng nên chú ý đến nhãn thông tin dinh dưỡng trên thực phẩm đóng gói để cắt giảm natri, đường bổ sung và chất béo bão hòa.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Những Giải Pháp Hữu Ích Để Đột Quỵ Không Quay Trở Lại. Đăng ngày 28, tháng 4, năm 2021. Truy cập ngày 27, tháng 11, năm 2024. https://dotquy.kcb.vn/phong-ngua-dot-quy/nhung-giai-phap-huu-ich-de-dot-quy-khong-quay-tro-lai-.html

2. Preventing Another Stroke. www.stroke.org. Accessed November 27, 2024. https://www.stroke.org/en/life-after-stroke/preventing-another-stroke

Để tìm hiểu thông tin về các khóa học sơ cấp cứu, các thông tin khác về sức khỏe, hãy theo dõi thông in tại chuyên mục kiến thức trên website Safi và kênh facebook Dr Safi - Đào tạo sơ cấp cứu chuẩn Hoa Kỳ. Chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin các khóa học và chia sẻ các thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu.

Doanh nghiệp có thể đăng ký học sơ cấp cứu tại: https://forms.gle/vGJtX8T93pCKg69JA

---------------------------
DR SAFI - ĐÀO TẠO SƠ CẤP CỨU CHUẨN HOA KỲ
“NGƯỜI BÊN CẠNH CỨU NGƯỜI BÊN CẠNH”
Tel: 024.6656.8268 | Hotline/Zalo: 037 627 9600
Email: info@safi.asia | Web: https://safi.asia
VP Hà Nội: Tầng 5 Số 59, Ngõ 5, Láng Hạ, Q. Ba Đình
VP TP. Hồ Chí Minh: P.302, 124 Bạch Đằng, P. 2, Q. Tân Bình

Bài viết liên quan