VÌ SAO TRỜI LẠNH DỄ BỊ ĐỘT QUỴ?
Tác giảAdministrator

Thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, đặc biệt là ở người cao tuổi hoặc những người có sẵn các yếu tố nguy cơ như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hoặc tiểu đường.

1. Có đúng là trời lạnh dễ bị đột quỵ hơn không?

Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Journal of Stroke and Cerebrovascular Diseases đã kiểm tra gần 172.000 ca nhập viện do đột quỵ tại Hoa Kỳ đã cho thấy đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn khi nhiệt độ trung bình lạnh hơn và khi có sự dao động nhiệt độ đáng kể. 

Một nghiên cứu ở Đức được công bố cũng được công bố vào năm 2016 trên Tạp chí European Journal of Epidemiology đã nhận thấy rằng mỗi khi nhiệt độ giảm 2,9oC trong 24 giờ thì đột quỵ sẽ tăng thêm 11%.

Năm 2018, một nghiên cứu trên 56.000 ca tử vong do đột quỵ trong hơn một thập kỷ ở Sao Paolo, Brazil, cho thấy nhiệt độ giảm làm tăng số ca tử vong do đột quỵ, đặc biệt ở những người trên 65 tuổi.

Như vậy, trời lạnh có liên quan với tăng số ca mắc và số ca tử vong do đột quỵ.

2. Vì sao trời lạnh dễ đột quỵ hơn?

Theo giáo sư Judith Lichtman, trưởng khoa Khoa Dịch tễ học và Bệnh mãn tính Đại học Y tế Công cộng Yale thì “không thiếu những phỏng đoán về lý do tại sao thời tiết lạnh và đột quỵ có thể có mối liên hệ với nhau”. Trong bài phỏng vấn được đăng trên trang web của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, bà đưa ra những lý giải sau:

  • Nhiệt độ lạnh có thể làm co mạch máu, dẫn đến làm tăng huyết áp. 

  • Nhiệt độ lạnh cũng có thể làm đặc máu, dẫn đến dễ hình thành cục máu đông. 

  • Ở Bắc bán cầu, những tháng lạnh giá đi kèm với nhiều ngày nghỉ lễ, điều này cũng đồng nghĩa với căng thẳng về tài chính và những thói quen không lành mạnh như ăn uống quá nhiều, sử dụng rượu bia, chất kích thích tăng.

  • Mọi người có thể ít hoạt động hơn vào mùa đông, làm suy giảm sức khỏe.

  • Mùa đông lạnh lẽo và tối tăm có thể khiến một số người mắc chứng trầm cảm hoặc làm nặng hơn tình trạng trầm cảm. Đã có bằng chứng  về mối liên quan giữa trầm cảm và tăng nguy cơ đột quỵ.

3. Phòng ngừa hiệu quả đột quỵ khi trời lạnh như thế nào?

Nên biết, trời lạnh không đơn thuần gây ra đột quỵ mà chỉ là yếu tố thúc đẩy trên cơ địa đã có sẵn nguy cơ. Cho nên, chỉ giữ ấm cơ thể mà không kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác, bạn vẫn bị đột quỵ như thường! Thống kê cho thấy Việt Nam là quốc gia có nhiệt độ trung bình cao nhưng tỷ lệ bị đột quỵ trong dân số vẫn cao ngất ngưỡng so với các nước lạnh!

Đột quỵ - Safi sơ cấp cứu

Hình 1: Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc quần áo nhiều lớp, chú ý giữ ấm cho cả tay, chân và đầu (nguồn: newcarehomes.com)

Bạn không thể thay đổi nhiệt độ môi trường, nhưng bạn có thể làm được:

  • Giữ ấm cơ thể là rất quan trọng bằng cách mặc nhiều lớp để duy trì nhiệt độ cơ thể, cũng cần chú ý giữ ấm đầu, tay và chân.

  • Uống nhiều nước ấm để ngăn chặn tình trạng cô đặc máu.

  • Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên để thúc đẩy tuần hoàn máu.

  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng giữa đạm, đường và protein, chú ý bổ sung trái cây, rau, hạn chế mặn.

  • Không uống rượu. Rượu có thể làm tăng cảm giác ấm áp và khiến tinh thần sảng khoái nhưng làm tăng nguy cơ xuất huyết não.

Cuối cùng, nếu bạn xuất hiện các triệu chứng như méo mặt, yếu chi, khó nói hoặc đau đầu đột ngột… thì bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức vì đây là các dấu hiệu của đột quỵ. Học sơ cấp cứu là rất quan trọng để cứu mạng bản thân và người thân nếu không may có xảy ra đột quỵ.

Biết cách sơ cấp cứu khi gặp nạn nhân bị đột quỵ có thể cứu sống và giảm thiểu tổn thương lâu dài cho nạn nhân. Học sơ cấp cứu không chỉ giúp bạn bảo vệ người thân mà còn tạo nên một cộng đồng an toàn và sẵn sàng đối mặt với các tình huống khẩn cấp. Đây là kỹ năng quan trọng, nên được phổ cập trong gia đình, trường học, và nơi làm việc để đảm bảo mọi người đều có khả năng ứng phó khi cần thiết.
Doanh nghiệp, cá nhân đăng ký học sơ cấp cứu tại: https://forms.gle/vGJtX8T93pCKg69JA
---------------------------
DR SAFI - ĐÀO TẠO SƠ CẤP CỨU CHUẨN HOA KỲ
“NGƯỜI BÊN CẠNH CỨU NGƯỜI BÊN CẠNH”
Tel: 024.6656.8268 | Hotline/Zalo: 037 627 9600
Email: info@safi.asia | Web: https://safi.asia
VP Hà Nội: Tầng 5 Số 59, Ngõ 5, Láng Hạ, Q. Ba Đình
VP TP. Hồ Chí Minh: P.302, 124 Bạch Đằng, P. 2, Q. Tân Bình

 

Bài viết liên quan