Quy tắc BE FAST: Dấu Hiệu Nhận Biết Sớm Về Đột Quỵ
Tác giảAdministrator

Đột quỵ để lại di chứng nặng nề. Nhận biết sớm các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng, để cấp cứu kịp thời và có tác động quan trọng trong phục hồi sau đột quỵ của bệnh nhân.

Đột quỵ xảy ra rất nhanh và đột ngột, là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới nhưng đứng đầu về tỷ lệ tàn tật. Đối với người bị đột quỵ, thời gian là vàng, quyết định sự sống cũng như là khả năng phục hồi của nạn nhân. Vì vậy, người nhà nạn nhân cần phải nắm rõ dấu hiệu để nhận biết được đột quỵ.

1. BE FAST: Quy tắc nhận biết sớm đột quỵ

BE FAST tiền thân là FAST là cụm từ viết tắt được hội tim mạch Mỹ (AHA) cũng như nhiều tổ chức khác sử dụng, giúp nạn nhân và người thân dễ dàng ghi nhớ về những triệu chứng của đột quỵ nhằm nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời nạn nhân bị đột quỵ.

 

đột quỵ - safi đào tạo sơ cấp cứu

Hình ảnh: BE FAST quy tắc để nhận biết sớm đột quỵ

 

BE FAST là cụm từ bao gồm 6 chữ cái, mỗi chữ mô tả một dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ:

  • B (BALANCE): Diễn tả triệu chứng khi nạn nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.

  • E (EYESIGHT): Thể hiện việc nạn nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.

  • F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, nạn nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi nạn nhân cười mở miệng lớn.

  • A (ARM):  nạn nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu nạn nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.

  • S (SPEECH): nạn nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.

  • T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

2. Cấp cứu khi gặp nạn nhân bị đột quỵ

Nên nhớ rằng khi nhận thấy những dấu hiệu nạn nhân bị đột quỵ thì thời gian là vô cùng quan trọng. Bạn nên gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Đột quỵ - Safi đào tạo sơ cấp cứu

Hình ảnh: Nạn nhân đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức

Trong lúc chờ cấp cứu bạn NÊN làm những việc sau:

  • Dìu nạn nhân tránh để nạn nhân bị té ngã, chấn thương.

  • Để nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát, kê cao đầu từ 20-30o

  • Nếu nạn nhân còn tỉnh, hỏi thăm thông tin của nạn nhân: tên họ, số điện thoại người thân, tình trạng bệnh lý mãn tính, để có thể trao đổi tình trạng nạn nhân khi nhân viên 115 tới.

  • Nếu nạn nhân bị nôn để nạn nhân nghiêng 45o, móc hết đàm, nhớt để tránh gây ngạt nạn nhân.

  • Nếu nạn nhân bị ngất, kiểm tra mạch của nạn nhân. Nếu nạn nhân bị ngưng tim thực hiện ngay hồi sức tim phổi, bạn có thể gọi 115 để được hướng dẫn khi bạn không biết cách làm.

Những việc bạn KHÔNG NÊN làm:

  • Không tụ tập đông người xung quanh nạn nhân.

  • Không tự ý xoa dầu nóng, cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay.

  • Không cho nạn nhân uống bất kỳ loại thuốc nào.

Biết cách sơ cấp cứu khi gặp nạn nhân bị đột quỵ có thể cứu sống và giảm thiểu tổn thương lâu dài cho nạn nhân. Học sơ cấp cứu không chỉ giúp bạn bảo vệ người thân mà còn tạo nên một cộng đồng an toàn và sẵn sàng đối mặt với các tình huống khẩn cấp. Đây là kỹ năng quan trọng, nên được phổ cập trong gia đình, trường học, và nơi làm việc để đảm bảo mọi người đều có khả năng ứng phó khi cần thiết.
Nguồn tham khảo: dotquy.kcb.vn
Doanh nghiệp, cá nhân đăng ký học sơ cấp cứu tại: https://forms.gle/vGJtX8T93pCKg69JA
---------------------------
DR SAFI - ĐÀO TẠO SƠ CẤP CỨU CHUẨN HOA KỲ
“NGƯỜI BÊN CẠNH CỨU NGƯỜI BÊN CẠNH”
Tel: 024.6656.8268 | Hotline/Zalo: 037 627 9600
Email: info@safi.asia | Web: https://safi.asia
VP Hà Nội: Tầng 5 Số 59, Ngõ 5, Láng Hạ, Q. Ba Đình
VP TP. Hồ Chí Minh: P.302, 124 Bạch Đằng, P. 2, Q. Tân Bình

 

 

 

Bài viết liên quan