CHĂM SÓC BỆNH NHÂN COVID TẠI NHÀ
Tác giảAdministrator
TỔNG QUAN VỀ COVID-19 VÀ CÁCH CHĂM SÓC BỆNH NHÂN COVID ĐƯỢC CÁCH LY TẠI NHÀ
Bài viết của GS.TS.BS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu & Chống độc Việt Nam.
 

 

Ngày 14/7/2021 Bộ Y tế đã có văn bản số 5599/BYT-MT gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19.

Vậy chúng ta nên hiểu và áp dụng như thế nào để đạt hiệu quả?

Trước hết chúng ta cần hiểu một chút về bệnh này: Bệnh do vi-rút corona là một căn bệnh truyền nhiễm gây suy hô hấp cấp do vi-rút họ corona gây nên lần đầu xuất hiện năm 2003 (còn gọi là dịch hô hấp cấp tính nặng-SARS) bắt đầu từ Quảng Đông, Trung Quốc, lan sang 26 nước với hơn 8.000 người mắc và tử vong khoảng 10%. Sau khoảng 3 tháng dịch tự hết.

Lần này, dịch bắt đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối tháng 12 năm 2019 do một chủng vi-rút corona mới (SARS CoV2) và bệnh do vi-rút này gây ra (COVID-19) đã lan ra toàn thế giới với hơn 190 triệu người mắc, hơn 4 triệu người tử vong, và con số này đang tăng lên mỗi ngày, đặc biệt với các biến chủng mới.

Đường lây truyền:

1. Qua đường không khí:

Vi-rút có trong giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện,... sẽ lan ra xung quanh, đặc biệt trong môi trường kém thông khí như phòng ở hay phòng làm việc nhỏ kín, thang máy (do bật điều hòa để tiết kiệm điện nên thường đóng kín cửa), nếu người lành hít phải sẽ có nguy cơ nhiễm hoặc những giọt nhỏ hơn (dưới 5 micro mét) bay lơ lửng trong không khí 30 phút rồi mới rơi xuống sàn nhà và các bề mặt. Vì vậy không nên dùng điều hòa trung tâm, không tụ tập đông người, mở cửa phòng thông gió thường xuyên, tháo bỏ đồ bảo hộ đúng cách). Do đó, Bộ y tế đã hướng dẫn là: Khẩu trang (đúng quy cách, sử dụng đúng cách), Khoảng cách 2 m (hạn chế tối đa tiếp xúc gần), Không tụ tập.

2. Qua đường tiếp xúc:

Khi người bệnh ho, hắt hơi thường lấy tay che miệng, sau đó theo tay chạm, sờ vào các đồ vật như tay nắm cửa, điện thoại, mặt bàn ghế, máy tính, đồ dùng sinh hoạt,... Khi người lành bắt tay với người bệnh hoặc chạm, sờ vào những bề mặt hay đồ vật có vi-rút rồi đưa lên mắt, mũi, miệng, vi-rút sẽ xâm nhập qua đường niêm mạc vào cơ thể chúng ta, nhân lên rồi gây bệnh. Vì thế hướng dẫn của Bộ Y tế là: Rửa tay thường xuyên, Khử khuẩn bề mặt hoặc dụng cụ (kể cả dụng cụ dùng riêng).

Vi-rút có thể tồn tại ngoài môi trường trong bao lâu?

Ở bề mặt: 3 giờ; giấy viết, các-tông: 1 ngày; gỗ, vải: 2 ngày; thép, nhựa: 3 ngày; thủy tinh, tiền giấy: 4 ngày; nhiệt độ lạnh: tồn tại lâu; ở 37 độ: 2 ngày; ở 56 độ: 30 phút; ở 70 độ: 5 phút. Vì vậy, hãy mở cửa phòng, thông gió, cho nắng (có tia UV) chiếu vào đều có tác dụng diệt vi-rút.

Mặc dù vậy, hầu hết các dung dịch sát khuẩn hay vệ sinh thông thường chúng ta dùng hàng ngày đều có thể diệt vi-rút.

Bệnh do vi-rút này gây ra thế nào?

Khi vi-rút xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua đường hô hấp hoặc niêm mạc gây phản ứng viêm thì triệu chứng đầu tiên thường là liên quan hô hấp nổi bật: sốt, đau đầu, ho khan, mệt mỏi,... Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm khó thở, đau hoặc tức ngực, mất khả năng nói hoặc cử động.

Khi vi-rút đi tới các cơ quan khác sẽ gây triệu chứng bệnh liên quan đến các cơ quan khác như đau cơ, đầy bụng, viêm kết mạc, ỉa chảy, đái máu, hay tới não gây ra tắc mạch não giống đột quỵ, co giật,... đau nhức, đau họng, tiêu chảy, mất vị giác hoặc khứu giác, da nổi mẩn hay ngón tay hoặc ngón chân bị tấy đỏ hoặc tím tái, hay tới tim gây viêm cơ tim, loạn nhịp, hoặc chết đột ngột.

Mức độ nặng hay nhẹ hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ phản ứng của cơ thể mỗi người với vi-rút khác nhau, nếu phản ứng viêm khư trú tại chỗ, cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại khiến vi-rút không phát triển được và bị đào thải ra khỏi cơ thể, bệnh sẽ không có triệu chứng (khoảng 40-60% trong tổng số ca bệnh), hoặc bệnh nhẹ (20%) hoặc tự khỏi sau 10-14 ngày.

Vì vậy Bộ Y tế đề xuất những người F1 (có tiếp xúc với F0) đang chờ két quả xét nghiệm khẳng định hoặc F0 sau điều trị 10 ngày (xét nghiệm âm tính hoặc còn rất ít vi-rút) được cách ly tại nhà. Đây là quyết định dựa trên cơ sở khoa học và kịp thời giúp giảm tải cho các trung tâm cách ly.

Nếu mức độ nặng hơn dẫn đến suy hô hấp thiếu oxy ở các mức độ khác nhau thì cần trợ giúp từ thở oxy hay cần hỗ trợ của máy thở ở các mức độ khác nhau, hoặc nếu phổi không thể hoạt động được nữa thì dùng máy trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO).

Vậy nên chăm sóc tại nhà những người nhiễm Covid-19 như thế nào?

Luôn nhớ có 2 mục đích song hành dù ở nhà hay khu cách ly hay tại bệnh viện:

  • Cách ly không để lây lan sang người khác (người chăm sóc,người thân, cộng đồng nói chung).
  • Chăm sóc, theo dõi diễn biến, phát hiện và xử trí kịp thời những diễn biến nặng, nâng cao thể trạng.

1. Đối với người bệnh

Có phòng riêng, thoáng khí, mở cửa để ánh nắng chiếu vào (nếu có thể), hạn chế dùng điều hòa nhiệt độ, sử dụng nhà vệ sinh riêng (nếu có thể), đồ dùng riêng, có chuông báo hoặc camera theo dõi, nếu có thể thì trang bị nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo nồng độ oxy qua da (kẹp ở đầu ngón tay), máy thử đường (nếu bị tiểu đường).

Các dụng cụ phục vụ ăn uống (bát, đĩa, thìa, cốc...), giấy ăn, giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay, dung dịch rửa bát đĩa, dung dịch sát khuẩn bề mặt, sàn nhà, găng tay dùng 1 lần.

Đeo khẩu trang y tế thường xuyên, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc cồn > 60 độ. Khi phải gặp người khác, nhớ đeo khẩu trang, giũ khoảng cách tối thiểu 2m.

Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau (paracetamol, vitamin..,) nếu sốt > 38,5 độ, hoặc đau đầu, đau cơ nhiều thì có thể tự uống paracetamol viên 0,5g, mỗi lần 1-2 viên x ngày 3 lần, tổng liều không nên quá 3g (6 viên), vitamin nhóm B, C, không dùng thuốc khác nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Ăn nhẹ, chia thành nhiều bữa (cháo, súp, sữa, nước sinh tố... ). Thông thường người bệnh mệt, khó thở, thay đổi vị giác và khứu giác nên không muốn ăn. Cho người bệnh uống nhiều nước, theo dõi nước tiểu 700ml -1 lit/mỗi 12 giờ là được.

Giữ tinh thần thoải mái không lo lắng hoặc hoảng loạn.

2. Đối với người chăm sóc

Đeo khẩu trang đúng cách, thiết bị bảo vệ mắt, giữ khoảng cách với người ốm. Đối với những người không tự phục vụ được cần chăm sóc họ, nhưng phải mang đồ bảo hộ đầy đủ, đi găng tay dùng một lần và tháo bỏ sau khi chăm sóc, hoặc thực hiện công việc khử khuẩn trong phòng đó và để vào thùng chúa rác riêng.

Không đưa tay lên mặt, mắt mũi miệng khi chưa rửa tay.

Giặt quần áo, ga, chăn, vỏ gối bằng máy giặt để ở chế độ nước nóng 60-90 độ, sau giặt thì sấy khô.

Làm sạch và khử trùng các bề mặt nhà vệ sinh, bàn cạnh giường ngủ, tay nắm cửa, điện thoại và điều khiển tivi. Lau màn hình điện thoại, máy tính bằng khăn tẩm cồn 70 độ.

Tuyệt đối không cho khách vào thăm.

Mọi người trong gia đình cần đeo khẩu trang trong thời gian này.

Trong qua trình chăm sóc không may nếu có tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của người bệnh (hít phải khi người bệnh ho, hắt hơi mà không đeo khẩu trang) thì báo cho cơ quan y tế theo quy định.

3. Theo dõi người bệnh

Nhiệt độ, SpO2, nhịp thở, giọng nói (qua điện thoại), sắc mặt, đặc biệt những người có bệnh từ trước đang phải dùng thuốc (suy tim, tiểu đường, suy thận, ung thư, bệnh phổi mãn tính...) cần thông báo cho bác sĩ ngay nếu có một trong các biểu hiện sau:

  • Nói câu ngắn hơn trước, khó thở tăng lên.
  • Cảm giác đau ngực hoặc cảm giác ngạt thở.
  • Chóng mặt , ý thức chậm chạp hơn trước.
  • Môi hay mặt tím tái.

4. Tuân thủ hướng dẫn cách ly

Cuối cùng cần tuân thủ đầy đủ hướng dẫn cách ly của ngành y tế để đảm bảo giúp cho người bệnh hồi phục tốt đồng thời tránh gây lây nhiễm cho mọi người xung quanh.

Bài viết liên quan