ĐỘT QUỴ NGÀY CÀNG TRẺ HÓA
Tác giảAdministrator

Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 bệnh nhân bị đột quỵ. Hiện có khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi từ 18-50. Đáng chú ý, tỉ lệ người trẻ dưới 40 tuổi mắc căn bệnh này, đang tăng trung bình 2% mỗi năm. Đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

1. Nhận định đột quỵ ngày càng trẻ hoá có đúng hay không?

Theo báo điện tử Nhân Dân, tỷ lệ người từ 45 tuổi trở xuống bị đột quỵ ở nước ta có xu hướng tăng trong vài năm gần đây. Cụ thể, số ca đột quỵ ở người trẻ chiếm khoảng 15% tổng số ca đột quỵ mà Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trong thời gian gần đây [1].

Theo số liệu của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, số ca đột quỵ ở người trẻ tại các quốc gia phát triển lẫn đang phát triển đều có chung xu hướng tăng. Số liệu nghiên cứu trên 2.483 ca đột quỵ ở Brazil cho thấy tỷ lệ đột quỵ ở người dưới 45 tuổi tăng 1,62 lần trong giai đoạn 2014 – 2015 so với giai đoạn 2005 – 2006 [2].

2. Lý do đột quỵ ngày càng trẻ hoá?

Hiện nay, sự lựa chọn lối sống không lành mạnh ở những người trẻ như: ăn uống không lành mạnh (ăn ít rau, ăn nhiều thức ăn nhanh), ít tập thể dục, hút thuốc, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích… không phải là hiếm.

Thừa cân – béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu ở người trẻ ngày càng gia tăng. Theo thống kê, khoảng 10% người từ 20 đến 44 tuổi bị cao huyết áp. Trong thời gian từ 2010 đến 2021, tỷ lệ người từ 25 – 64 tuổi đồng mắc 2 bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp ở nước ta đã tăng 8 lần [3].

Đột quỵ có xu hướng trẻ hóa - Safi đào tạo sơ cấp cứu

Hình 1: Thay vì chọn thức ăn nhanh, hãy ăn nhiều rau quả và trái cây (nguồn: hackensackmeridianhealth.org)

3. Biểu hiện đột quỵ có gì khác so với người lớn tuổi?

Các triệu chứng của đột quỵ bao gồm méo mặt, yếu chi, nói khó đều xuất hiện ở người trẻ và người lớn tuổi. Tuy nhiên, những triệu chứng như giảm thị lực, nhìn đôi, chóng mặt, đau đầu… thường gặp ở người trẻ hơn và dễ bị bỏ qua vì nhầm lẫn với biểu hiện của nhiều bệnh lành tính khác. Đột quỵ ở trẻ em cũng rất dễ bị chẩn đoán sót vì đôi khi các em chỉ có biểu hiện nôn hoặc đau đầu đi kèm với yếu chi.

4. Yếu tố nguy cơ có gì khác với người lớn tuổi không?

Ngoài các yếu tố nguy cơ truyền thống như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loại lipid máu, thừa cân – béo phì, hút thuốc lá… đóng vai trò cực kì quan trọng, người trẻ tuổi còn có thêm các yếu tố nguy cơ không truyền thống như:

4.1. Đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu là yếu tố nguy cơ phi truyền thống quan trọng nhất, tỷ lệ đóng góp giảm dần theo độ tuổi và chiếm lần lượt 20,1% và 34,5% số ca đột quỵ ở nam và nữ dưới 35 tuổi [4].

Nguy cơ đột quỵ với sức khỏe - Safi đào tạo sơ cấp cứu

Hình 2: Đau nửa đầu là yếu tố nguy phi truyền thống ở người trẻ tuổi (nguồn: hellosehat.com)

4.2. Chứng phình động mạch

Chứng phình động mạch hình thành khi thành mạch máu bị yếu, chỗ yếu dần phình ra và thành ngày càng mỏng dần. Nếu chỗ phình này vỡ, đột quỵ dạng xuất huyết não sẽ xảy ra. Một số người từ khi mới sinh ra đã bị dị tật mạch máu dạng này. Chứng phình động mạch có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng chúng thường bị vỡ trong độ tuổi từ 30 đến 60. Đặc biệt, hút thuốc lá sẽ làm chứng phình động mạch diễn tiến xấu nhanh chóng.

4.3. Thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai làm tăng nhẹ nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ có hút thuốc lá. Điều quan trọng cần nhớ là sử dụng thuốc tránh thai cũng có một rủi ro nhỏ và nên được cân nhắc trước nguy cơ mang thai ngoài ý muốn. Nếu vẫn muốn sử dụng thuốc tránh thai, từ bỏ hút thuốc lá là cách tốt nhất để giảm nguy cơ cho bạn.

4.4. Các rối loạn đông máu

Một số người mắc bệnh máu dễ đông do mắc phải hoặc do di truyền, làm tăng nguy cơ đột quỵ dạng tắc mạch máu não. Các rối loạn về đông máu có thể được phát hiện qua xét nghiệm và kiểm soát một phần bằng thuốc.

5. Tiên lượng đột quỵ ở người trẻ so với người lớn tuổi như thế nào?

Tiên lượng của đột quỵ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: dạng đột quỵ (xuất huyết hay tắc nghẽn mạch máu), cách sơ cứu nạn nhân, thời gian can thiệp và điều trị (trên hay dưới 4,5 giờ), bệnh nền kèm theo… nhưng nhìn chung, tiên lượng đột quỵ ở người trẻ thường tốt hơn ở người lớn tuổi. Quá trình phục hồi nhanh nhất có thể diễn ra trong vài ngày đến vài tuần sau đột quỵ, nhưng cũng có thể tiếp tục trong nhiều tháng và nhiều năm sau đột quỵ. Điều quan trọng là bệnh nhân phải có niềm tin và có kế hoạch phòng ngừa bệnh quay lại.

Biết cách sơ cấp cứu khi gặp nạn nhân bị đột quỵ có thể cứu sống và giảm thiểu tổn thương lâu dài cho nạn nhân. Học sơ cấp cứu không chỉ giúp bạn bảo vệ người thân mà còn tạo nên một cộng đồng an toàn và sẵn sàng đối mặt với các tình huống khẩn cấp. Đây là kỹ năng quan trọng, nên được phổ cập trong gia đình, trường học, và nơi làm việc để đảm bảo mọi người đều có khả năng ứng phó khi cần thiết.
👉 Doanh nghiệp, cá nhân đăng ký học sơ cấp cứu tại: https://forms.gle/vGJtX8T93pCKg69JA
---------------------------
DR SAFI - ĐÀO TẠO SƠ CẤP CỨU CHUẨN HOA KỲ
“NGƯỜI BÊN CẠNH CỨU NGƯỜI BÊN CẠNH”
Tel: 024.6656.8268 | Hotline/Zalo: 037 627 9600
Email: info@safi.asia | Web: https://safi.asia
VP Hà Nội: Tầng 5 Số 59, Ngõ 5, Láng Hạ, Q. Ba Đình
VP TP. Hồ Chí Minh: P.302, 124 Bạch Đằng, P. 2, Q. Tân Bình

Nguồn bài viết:

1. Gia tăng đột quỵ ở người trẻ. Báo Nhân Dân điện tử. Xuất bản ngày 17 , tháng Sáu, năm 2024. Truy cập ngày 2, tháng 12, năm 2024. https://nhandan.vn/post-814681.html

2. Cabral NL, Freire AT, Conforto AB, et al. Increase of Stroke Incidence in Young Adults in a Middle-Income Country. Stroke. 

3. Vu THL, Bui TTQ, Tran QB, et al. Comorbidities of diabetes and hypertension in Vietnam: current burden, trends over time, and correlated factors. BMC Public Health.

4. Leppert MH, Poisson SN, Scarbro S, et al. Association of Traditional and Nontraditional Risk Factors in the Development of Strokes Among Young Adults by Sex and Age Group: A Retrospective Case-Control Study. Circulation: Cardiovascular Quality and Outcomes. 





Bài viết liên quan