CPR (Cardiopulmonary Resuscitation – hồi sức tim phổi) kết hợp với khử rung tim sớm trong 3 – 5 phút đầu tiên sau ngừng tim tăng tỷ lệ cứu sống nạn nhân lên đến 75%. AED hay được trang bị ở nơi đông người như sân bay (Hình 1), các trung tâm mua sắm lớn, cao ốc, bệnh viện… AED có cách vận hành đơn giản. Chúng cho phép cả người dân và người được đào tạo về chăm sóc sức khỏe khử rung tim một cách an toàn.
Hình 1: Máy Zoll AED (nguồn: safi.asia)
Khử rung tim là một thuật ngữ y học để chỉ quá trình làm triệt tiêu một số rối loạn nhịp tim bằng cách sử dụng sốc điện có kiểm soát. Hai rối loạn nhịp tim gây ngừng tim có thể khử rung tim là nhịp nhanh thất vô mạch (Pulseless ventricular tachycardia – pVT) và rung thất (Ventricular fibrillation – VF).
1. Cách sử dụng AED
AED của mỗi nhà sản xuất có thể sẽ khác nhau về hình dáng, kích thước, cách bố trí các nút vận hành, vị trí dán các miếng đệm AED lên cơ thể nạn nhân… Nhưng về cơ bản, tất cả các AED đều có nguyên tắc hoạt động giống nhau. Tuy nhiên, bạn vẫn nên làm quen với AED được trang bị trong cơ quan của mình. Ví dụ: phải bật AED theo cách thủ công hay nó tự động bật khi bạn mở nắp đựng. Vận hành AED gồm có 6 bước chung, sau đây là trình tự từng bước.
Bước 1: Bật nguồn AED
- Mở hộp đựng (nếu có).
- Bật nguồn AED (Hình 2) nếu cần.
- Một số thiết bị tự động bật nguồn khi bạn mở nắp hoặc hộp đựng.
- Làm theo lời nhắc của AED.
Hình 2: Bật nguồn máy AED (nguồn: SAFI SERVICES., JSC)
Bước 2: Gắn miếng đệm AED vào ngực trần của nạn nhân. Chọn miếng đệm người lớn cho nạn nhân từ 8 tuổi trở lên. Điều này nên được thực hiện trong khi người cứu hộ thứ hai tiếp tục CPR.
- Lột miếng bảo vệ điện cực ra khỏi miếng đệm AED.
- Dán miếng đệm AED dính vào ngực trần của nạn nhân. Thực hiện theo hình vẽ in trên miếng đệm (Hình 2).
- Gắn cáp kết nối vào thiết bị AED (Hình 4, nhưng chú ý rằng một số AED có cáp kết nối gắn sẵn).
Hình 3: Dán miếng đệm AED vào ngực trần nạn nhân, chú ý dán theo hình vẽ in trên miếng đệm (nguồn SAFI SERVICES., JSC)
Hình 4: Gắn cáp kết nối vào AED
Bước 3: Đề nghị không ai được chạm vào nạn nhân khi AED đang phân tích nhịp
Khi AED nhắc bạn không được chạm vào nạn nhân trong quá trình phân tích, bạn phải chắc chắn rằng không ai được chạm vào nạn nhân, kể cả người cứu hộ chịu trách nhiệm ép tim và thổi ngạt (Hình 5)
- Một số AED sẽ yêu cầu bạn nhấn nút để AED bắt đầu phân tích nhịp tim; những AED khác sẽ tự động phân tích. AED có thể mất vài giây để phân tích.
- AED sau đó sẽ cho bạn biết liệu nạn nhân có cần sốc điện hay không.
Hình 5: không được chạm vào nạn nhân khi AED đưa ra thông báo (Nguồn: SAFI SERVICES., JSC)
Bước 4: Nếu AED thông báo phát hiện nhịp cần sốc, nó sẽ yêu cầu bạn không được chạm vào nạn nhân và sau đó nó sẽ gây sốc điện.
- Trước khi gây sốc, hãy lần nữa đảm bảo rằng không ai được chạm vào nạn nhân như ở bước 4.
- Nhấn nút Sốc (Hình 6). Cú sốc điện sẽ làm các cơ của nạn nhân co rút đột ngột.
Hình 6: Bấm vào nút sốc để gây sốc điện (Nguồn: SAFI SERVICES., JSC)
Bước 5: Sau khi sốc thành công, hãy thực hiện CPR ngay lập tức bắt đầu bằng việc ép tim.
Bước 6: Sau 2 phút CPR, AED sẽ nhắc bạn lặp lại Bước 3 và 4.
* Chú ý:
- Một số máy khử rung tim (như AED của hãng ZOLL) còn cung cấp phản hồi để giúp người cứu hộ thực hiện CPR chất lượng cao. CPR chất lượng cao là thành phần chính ảnh hưởng đến khả năng sống sót sau khi ngừng tim. AED cung cấp phản hồi bằng âm thanh và hình ảnh để hướng dẫn người cứu hộ thực hiện CPR chất lượng cao (hình 7)
Hình 7: Máy AED của ZOLL khuyến khích người cứu hộ ép tim mạnh hơn (hình A) và đưa ra lời khen khi đã ép đủ mạnh (hình B) (nguồn: Zoll.com)
- Một số lời nhắc từ máy và hành động bạn nên làm theo:
Thông báo của AED | Hành động người sơ cứu nên thực hiện |
STAY CALM | Hãy giữ bình tỉnh nhiều nhất có thể và tập trung vào nỗ lực hồi sức |
DON’T TOUCH PATIENT ANALYZING | Không chạm vào bệnh nhân vì AED sắp hoặc đang phân tích nhịp tim |
DON’T TOUCH PATIENT. PRESS THE FLASHING SHOCK BUTTON | Tất cả những người có mặt đứng tránh xa và ngừng chạm vào nạn nhân. Nhấn nút Sốc để thực hiện khử rung tim. |
START CPR | Bắt đầu ngay CPR |
PUSH TO MATCH THE TONE | Ép tim theo nhịp âm thanh do AED phát ra |
PUSH HARDER | Lực ép tim của bạn không đủ mạnh (ví dụ: chưa đủ sâu 5cm ở người lớn). Bạn cần ép mạnh hơn. |
GOOD COMPRESSIONS | Sau khi máy nhắc bạn ép mạnh hơn, bạn đã thực hiện thành công, bạn nên duy trì đủ lực ép như hiện tại |
CONTINUE CPR | Tiếp tục thực hiện lại CPR ngay. Lời nhắc này cũng có thể được đưa ra nếu máy phát hiện lực ép tim của bạn quá yếu. |
2. Các tình huống lưu ý khi sử dụng AED
Ngực nạn nhân đầy lông
Các miếng đệm AED có thể dính vào lông ngực chứ không dính vào da trên ngực. Nếu điều này xảy ra, AED sẽ không thể phân tích nhịp tim của nạn nhân và sẽ hiển thị thông báo “dán lại miếng đệm”.
Hãy nhớ lưu ý xem nạn nhân có lông ngực hay không trước khi dán miếng đệm. Sau đó, nếu cần, hãy sử dụng dao cạo trong hộp đựng AED để cạo khu vực bạn sẽ đặt miếng đệm.
Nếu bạn không có dao cạo nhưng có bộ miếng đệm thứ hai, hãy sử dụng bộ đầu tiên để cạo lông. Dán bộ miếng đệm đầu tiên, ấn chúng xuống để chúng dính chặt nhất có thể và nhanh chóng kéo chúng ra. Sau đó dán bộ miếng đệm thứ hai mới như ở bước 3 bên trên.
Sự hiện diện của nước hoặc chất lỏng khác
Nước và các chất lỏng khác dẫn điện. Vì thế, chúng ta không sử dụng AED trong nước.
Nếu nạn nhân ở dưới nước, hãy kéo nạn nhân ra khỏi nước.
Nếu ngực dính đầy nước hoặc mồ hôi, hãy nhanh chóng lau ngực trước khi gắn miếng đệm AED.
Nếu nạn nhân đang nằm trên tuyết hoặc trong vũng nước nhỏ, bạn có thể sử dụng AED sau khi lau nhanh ngực.
Nạn nhân có cấy máy khử rung tim hoặc máy tạo nhịp
Những nạn nhân có nguy cơ cao bị ngừng tim đột ngột có thể được cấy ghép máy khử rung tim hoặc máy tạo nhịp tim tự động. Nếu bạn đặt miếng đệm AED trực tiếp lên thiết bị cấy ghép, thiết bị cấy ghép đó có thể cản trở việc phân tích nhịp và sốc điện.
Những thiết bị này rất dễ nhận biết vì chúng tạo ra một khối phồng cứng bên dưới da, thường gặp nhất ở ngực trên bên trái nhưng cũng có thể được tìm thấy ở vị trí khác.
Nếu bạn xác định máy khử rung tim/máy tạo nhịp:
- Nếu có thể, tránh đặt miếng đệm AED trực tiếp lên thiết bị được cấy ghép.
- Thực hiện theo các bước thông thường để vận hành AED.
Miếng dán thuốc thẩm thấu qua da
Không đặt miếng đệm AED trực tiếp lên trên miếng dán thuốc (ví dụ như nitroglycerin, nicotine, thuốc giảm đau và miếng dán trị liệu thay thế hormone…). Miếng dán có thể cản trở việc truyền dòng điện từ miếng đệm AED đến tim. Điều này cũng có thể gây bỏng nhỏ cho da.
Hãy tháo miếng dán và lau sạch khu vực đó trước khi gắn miếng đệm AED nếu việc này không làm chậm quá trình sốc điện.
Để tránh truyền thuốc từ miếng dán sang bạn, hãy đeo găng tay bảo hộ. Hãy nhớ tránh sự chậm trễ càng nhiều càng tốt.
Phụ nữ có thai
Nên sử dụng AED cho phụ nữ mang thai bị ngừng tim như cách bạn sử dụng máy cho bất kỳ nạn nhân ngừng tim nào. Sốc điện từ AED sẽ không gây hại cho em bé. Nếu không can thiêp để cứu sống mẹ, em bé cũng sẽ không thể sống sót. Nếu nạn nhân có dấu hiệu sự sống trở lại, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng trái. Điều này giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim cho nạn nhân và cả em bé.
Quần áo và trang sức
Hãy bộc lộ ngực trần của nạn nhân vì AED không hoạt động được nếu đặt miếng đệm lên trên quần áo. Bạn không cần phải tháo đồ trang sức của nạn nhân, miễn sao đảm bảo cho nó không tiếp xúc với miếng đệm AED.
Tham khảo các dòng máy AED khác tại đây
Chúc các bạn thành công!
Để tìm hiểu thông tin về các khóa học sơ cấp cứu, các thông tin khác về sức khỏe, hãy theo dõi thông in tại chuyên mục kiến thức trên website Safi và kênh facebook Dr Safi - Đào tạo sơ cấp cứu chuẩn Hoa Kỳ. Chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin các khóa học và chia sẻ các thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu.
Doanh nghiệp có thể đăng ký học sơ cấp cứu tại: https://forms.gle/vGJtX8T93pCKg69JA
SAFI hân hạnh đồng hành cùng 1Life túi sơ cứu cung cấp túi sơ cứu cho cá nhân, trường học, doanh nghiệp.