CHÚNG TÔI LUÔN Ở ĐÂY ĐỂ HỖ TRỢ BẠN

Hotline tư vấn

024 66 568 268

Giao hàng ngay

Thanh toán tại nhà

Bảo hành chính hãng

Đổi máy mới 100% (nếu lỗi NSX)

Dịch vụ Tốt - Nhanh

Lắp 1 máy mới cho khách dùng trong thời gian bảo hành

SƠ CỨU BỎNG CỰC ĐƠN GIẢN VỚI CÁC BƯỚC SAU

Ngày đăng: 27/08/2024

Bỏng là một loại tai nạn phổ biến có thể gây ra bởi nhiệt độ cao, hóa chất, điện hoặc tia xạ. Việc sơ cứu kịp thời và đúng cách là rất quan trọng để giảm thiểu tổn thương và các biến chứng lâu dài. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết cách thực hiện sơ cứu bỏng theo từng bước. 

 1. Dịch tễ

Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 1 triệu ca bỏng được ghi nhận. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn gia đình, như bỏng nước sôi, lửa và hóa chất. Trên thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bỏng gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho cộng đồng với hơn 180.000 ca tử vong mỗi năm. Hơn 40% các ca bỏng xảy ra ở trẻ em. Số liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và kỹ năng sơ cứu bỏng đúng cách.

2. Tác nhân gây bỏng

a. Nhiệt 

Bỏng nhiệt nóng là phổ biến nhất, do tiếp xúc với nhiệt độ cao từ các nguồn như ngọn lửa, chất lỏng nóng và vật nóng. Mức độ nghiêm trọng được xác định bởi nhiệt độ và thời gian tiếp xúc.

Bỏng lạnh xảy ra khi da và các mô bên dưới bị đông cứng do tiếp xúc với nhiệt độ dưới mức đóng băng. Xử trí bỏng lạnh yêu cầu phải làm ấm nhanh chóng và cẩn thận các mô bị tổn thương.

b. Hoá chất

Bỏng hóa chất là do các chất ăn mòn như axit, kiềm hoặc dung môi. Hoá chất gây tổn thương mô thông qua các phản ứng hóa học, thường dẫn đến vết thương sâu và nghiêm trọng.

c. Điện

Bỏng điện xảy ra khi dòng điện đi qua cơ thể, gây ra tổn thương bên trong diện rộng mặc dù tổn thương bên ngoài rất nhỏ. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào các yếu tố như điện áp và đường đi của dòng điện.

d. Tia xạ

Bỏng do tia xạ xảy ra khi tiếp xúc với tia UV từ mặt trời hoặc bức xạ ion hóa từ các phương pháp điều trị y tế và nguồn công nghiệp, tia xạ làm tổn thương DNA trong tế bào và có khả năng dẫn đến các biến chứng như ung thư.

3. Phân độ bỏng

Bỏng độ I:

Đặc điểm: Ảnh hưởng đến lớp da ngoài cùng (biểu bì), gây đỏ và đau nhẹ.

Triệu chứng: Da đỏ, khô, không có phồng rộp, đau nhẹ.

Bỏng độ I Hình 1: Bỏng độ I (nguồn: britannica.com)

Bỏng độ II

  • Đặc điểm: Ảnh hưởng đến lớp biểu bì và lớp dưới da (hạ bì), gây đau và phồng rộp.
  • Triệu chứng: Da đỏ, phồng rộp, đau rát, có thể có bọng nước.

 Bỏng độ IIHình 2: Bỏng độ II (nguồn: doomandbloom.net)

Bỏng độ III

  • Đặc điểm: Ảnh hưởng đến tất cả các lớp của da, có thể lan đến mô dưới da, gây tổn thương nặng và mất cảm giác.
  • Triệu chứng: Vết bỏng trắng bệch hoặc bị cháy đen, có thể mất cảm giác do tổn thương thần kinh.

Bỏng độ III, bỏng toàn bộ phần thân trước, cổ, vai trái và cánh tay trênHình 3: Bỏng độ III, bỏng toàn bộ phần thân trước, cổ, vai trái và cánh tay trên (nguồn: Color atlas of emergency trauma 3rd, Cambridge)

4. Sơ cứu bỏng theo trình tự từng bước

a. Loại bỏ nguồn gây bỏng

Sau khi đảm bảo hiện trường đã an toàn, bước đầu tiên trong sơ cứu bỏng là nhanh chóng loại bỏ nguồn gây bỏng để ngăn chặn tổn thương nặng hơn.

  • Nếu nạn nhân bị bỏng do nhiệt, hãy dập tắt lửa bằng cách dùng nước, chăn, hoặc lăn người trên mặt đất.
  • Nếu bị bỏng do hóa chất, hãy cởi bỏ quần áo bị nhiễm hóa chất, phủi sạch hóa chất còn dính trên da và rửa vùng bị bỏng bằng nước sạch trong ít nhất 20 phút.
  • Đối với bỏng do điện, hãy ngắt nguồn điện trước khi chạm vào nạn nhân để tránh bị điện giật.

b. Làm mát vết bỏng

  •  Làm mát vết bỏng ngay lập tức là rất quan trọng để ngăn chặn bỏng lan rộng và giảm tổn thương mô. Khuyến cáo hiện tại là làm mát vết bỏng dưới vòi nước mát (tốt nhất là nước từ 15-25°C) trong ít nhất 10 phút. 
  • Phương pháp này đã được chứng minh là giúp giảm đau, giảm phù nề và hạn chế độ sâu của vết thương, đặc biệt nếu áp dụng trong vòng ba giờ đầu sau khi bị bỏng.

Làm mát vết bỏng - Để vết bỏng dưới vòi nước chảyHình 4: Để vết bỏng dưới vòi nước chảy (nguồn: shdmedical.co.uk)

c. Loại bỏ quần áo chật và trang sức

Nhẹ nhàng cởi bỏ quần áo, đồ trang sức hoặc đồ đồ vật gần vết bỏng (khăn quàng cổ, thắt lưng…) bởi vì tình trạng sưng tấy có thể xảy ra nhanh chóng và các vật này sẽ cản trở máu lưu thông, khiến tổn thương trở nên trầm trọng hơn. 

d. Bảo vệ vết bỏng

  • Sau khi làm mát, bảo vệ vết bỏng bằng cách băng lại bằng gạc sạch và không dính để ngăn nhiễm trùng. 
  • Không sử dụng bông gòn hoặc các vật liệu có thể dính vào vết thương. 
  • Nếu có thể, hãy giữ vết bỏng ở vị trí cao hơn tim để giảm sưng.

e. Kiểm soát cơn đau và viêm

Kiểm soát cơn đau hiệu quả là một phần quan trọng trong việc chăm sóc vết bỏng. Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen có thể giúp giảm bớt sự đau đớn và khó chịu. 

f. Ngăn ngừa hạ thân nhiệt và sốc

Đối với những vết bỏng nặng, đặc biệt là đi kèm với bỏng diện rộng, việc ngăn ngừa tình trạng hạ thân nhiệt và sốc là điều cần thiết. 

  • Đặt nạn nhân nằm xuống và nâng cao chân để cải thiện tuần hoàn. 
  • Đắp nạn nhân bằng quần áo hoặc chăn sạch để duy trì nhiệt độ cơ thể. 
  • Cho nạn nhân uống từng ngụm nước nhỏ nếu nạn nhân tỉnh táo và không buồn nôn, vì vết bỏng có thể gây mất nước đáng kể.

g. Đưa nạn nhân đến bệnh viện

 Những trường hợp sau cần đưa nạn nhân đến bệnh viện để nhận được sự can thiệp y tế cần thiết:

  • Vết bỏng lớn hơn kích thước bàn tay của nạn nhân.
  • Bỏng ở những vùng nhạy cảm như mặt, tay, chân, bộ phận sinh dục hoặc các khớp lớn.
  • Bỏng độ III hoặc bất kỳ vết bỏng nào có vết cháy thành than hoặc trắng bệch.
  • Bỏng hóa chất hoặc điện.
  • Dấu hiệu nhiễm trùng (đau nhiều hơn, đỏ, sưng, mủ).

5. Những lưu ý đặc biệt đối với các loại bỏng cụ thể 

a. Bỏng hóa chất 

Đối với bỏng hóa chất, ưu tiên hàng đầu là loại bỏ tác nhân hóa học. Rửa sạch khu vực bị dính hóa chất bằng một lượng lớn nước trong ít nhất 20 phút. Nếu hóa chất khô (như vôi), hãy phủi nó ra khỏi da trước khi xả nước. 

b. Bỏng điện 

Bỏng điện có thể gây ra những tổn thương bên trong không nhìn thấy được ngay. Đảm bảo nguồn điện đã được tắt trước khi chạm vào nạn nhân. Đưa nạn nhân đi khám bệnh ngay lập tức, ngay cả khi vết thương bên ngoài có vẻ nhẹ.

6. Những sai lầm phổ biến khi sơ cứu bỏng

Hành động saiHậu quảCách xử trí đúng
Bôi kem đánh răng, bơ, dầu, nước mắm hoặc các chất không rõ nguồn gốc và thành phần

- Kích ứng

- Nhiễm trùng

- Cản trở việc đánh giá và điều trị y tế chuyên nghiệp

- Giữ cho vết bỏng được sạch

- Thay băng thường xuyên

- Bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Làm mát bằng nước đá hoặc nước rất lạnh

- Nhiệt lạnh làm tổn thương nặng hơn

- Co mạch làm vết thương bị hoại tử và chậm lành

- Gây hạ thân nhiệt, đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi

- Làm mát bằng nước ở nhiệt độ phòng

- Chỉ làm mát vùng bị bỏng

Sử dụng hoá chất để trung hòa bỏng do hóa chất

- Phản ứng trung hoà sinh nhiệt làm tổn thương nặng hơn

- Làm sạch hóa chất dưới vòi nước chảy

Chọc vỡ các bóng nước

- Nhiễm trùng

- Để các bóng nước tự xẹp.

- Bảo vệ các bóng nước bằng cách che bằng băng gạc không dính và vô trùng

 

 

7. Phòng ngừa bỏng

a. Tại nhà

  • Trong nhà bếp: dùng miếng nhắc nồi hoặc đeo găng tay cách nhiệt khi tiếp xúc với bề mặt nóng, tránh mặc áo tay rộng vì có thể bắt lửa khi nấu nướng, đặt đồ ăn và thức uống còn nóng xa tầm với của trẻ em, trang bị bình cứu hoả cho nhà bếp.
  • Trong phòng tắm: cài đặt nhiệt độ máy nước nóng dưới 50oC, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi dội lên người.
  • An toàn điện: tránh sử dụng ổ cắm quá tải, thường xuyên kiểm tra dây dẫn điện và các mối nối, để nước tránh xa các thiết bị điện, rút phích cắm khi không sử dụng.

b. Tại nơi làm việc

  • Tiến hành đào tạo thường xuyên, giáo dục nhân viên về các rủi ro và cách phòng ngừa bỏng.
  • Sử dụng găng tay, kính và quần áo bảo hộ khi xử lý các vật liệu nóng hoặc làm việc trong môi trường có nguy cơ bỏng.  
  • Thường xuyên kiểm tra thiết bị, đảm bảo tất cả máy móc, thiết bị đều hoạt động tốt để tránh những sự cố có thể gây bỏng.  
  • Xử lý hóa chất an toàn, đựng hoá chất trong các bình chứa thích hợp có dán nhãn, tuân thủ các quy định an toàn về bảo quản, chiết cất và sử dụng hoá chất.

Tóm lại, sơ cứu bỏng đúng cách, dựa trên cơ sở khoa học, bao gồm: làm mát vết bỏng bằng nước mát ít nhất 10 phút, bảo vệ vết bỏng bằng băng gạc sạch, và tránh các biện pháp không khoa học như bôi kem đánh răng, bơ hoặc nước mắm... Những bước này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương sâu và hình thành sẹo.

Để tìm hiểu thông tin về các khóa học sơ cấp cứu, các thông tin khác về sức khỏe, hãy theo dõi thông in tại chuyên mục kiến thức trên website Safi và kênh facebook Dr Safi - Đào tạo sơ cấp cứu chuẩn Hoa Kỳ. Chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin các khóa học và chia sẻ các thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu.

Doanh nghiệp có thể đăng ký học sơ cấp cứu tại: https://forms.gle/vGJtX8T93pCKg69JA

SAFI hân hạnh đồng hành cùng 1Life túi sơ cứu cung cấp túi sơ cứu cho cá nhân, trường học, doanh nghiệp.

Liên hệ với chúng tôi để nhận được tư vấn miễn phí