1.Đuối nước là gì?
Đuối nước xảy ra khi nước bị hít vào phổi, hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Đây là một tai nạn hay gặp, xảy ra trong khi bơi, đi thuyền và trong các hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tại nhà như trong bồn nước, chum, vại, bể nước,...
Khi bị đuối nước nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại do phản xạ. Nếu ngừng thở tiếp tục kéo dài trong khoảng từ 20 giây đến 2 - 5 phút (tùy thuộc từng nạn nhân) thì đạt đến ngưỡng và nhịp thở lại xuất hiện khiến cho nước bị hít vào gây co thắt thanh quản tức thì, xuất hiện cơn ngừng thở lần 2, sau đó là các nhịp thở bắt buộc khiến cho nước, dị vật bị hít vào phổi. Hậu quả là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, ngừng tim và tử vong.
2.Cách sơ cứu đuối nước
Sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân.
Cách sơ cứu đúng như sau:
- Đảm bảo hiện trường xung quanh an toàn
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt nạn nhân lên
- Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí
- Nếu nạn nhân tỉnh:
- Cho nạn nhân nằm nghiêng an toàn
- Kiểm tra xem miệng có dị vật không
- Ở bên cạnh nạn nhân đến khi nhân viên y tế đến, hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế trong tư thế nằm nghiêng an toàn
- Nếu nạn nhân không tỉnh nhưng vẫn thở:
- Cho nạn nhân nằm nghiêng an toàn
- Kiểm tra xem miệng có dị vật không
- Ở bên cạnh nạn nhân đến khi nhân viên y tế đến hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế trong tư thế nằm nghiêng an toàn
- Nạn nhân không tỉnh, không thở, không mạch (hoặc không biết cách bắt mạch):
- Thực hiện CPR (ép tim thổi ngạt) ngay
- Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân bằng chăn hay một tấm khăn khô
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau đuối nước
3. Những việc cần tránh khi sơ cứu đuối nước
Phần lớn các nạn nhân bị đuối nước khi đưa đến cấp cứu tại các bệnh viện không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách dẫn đến tử vong hoặc di chứng não do thiếu oxy. Một số phương pháp sơ cứu không đúng như:
- Động tác xốc nước: động tác dốc ngược nạn nhân không cần thiết và không nên thực hiện vì thường lượng nước vào phổi rất ít chứ không phải phổi chứa đầy nước như người dân thường nghĩ. Lượng nước rất ít này sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Ngoài ra việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.
- Các nạn nhân ngừng tim phổi không được cấp cứu ép tim - thổi ngạt (CPR) tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong hoặc di chứng não nặng nề.
4. Phòng ngừa đuối nước
Những yếu tố làm tăng nguy cơ đuối nước
- Không biết bơi hoặc tự đánh giá cao khả năng bơi lội của mình.
- Các hành vi nhiều rủi ro như tắm sông, chơi ở trên bờ ao hồ...
- Thiếu sự giám sát của người lớn.
- Hạ thân nhiệt dẫn đến suy kiệt nhanh, không đủ sức bơi.
- Ở trẻ lớn, người lớn có thể do uống rượu, sử dụng ma túy...
- Chấn thương, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Vấn đề phòng ngừa đuối nước rất quan trọng. Theo thống kê các trường hợp đuối nước do té vào ao, sông gần nhà, các dụng cụ chứa nước trong nhà như lu khạp, xô nước, ... chiếm khoảng 20% và đa số ở trẻ < 5 tuổi. Do đó, cần phải giáo dục hướng dẫn các bậc cha mẹ cách bảo quản tốt các dụng cụ chứa nước trong nhà.
Ngoài ra cần ngăn cấm trẻ tắm sông, ao, hồ, biển, ... hoặc những nơi không người quản lý trông nom trẻ. Hơn nữa, cần quản lý chặt chẽ trẻ em tắm tại các hồ bơi, các cứu hộ viên nên làm việc tích cực và phải được hướng dẫn cách sơ cứu đuối nước cho cả người lớn và trẻ em.
Tại trường học, cần có kế hoạch giáo dục và huấn luyện thực tập bơi lội cho học sinh:
- Không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà
- Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông: luôn có người lớn đi theo
- Không cho bệnh nhân động kinh bơi
- Nên hướng dẫn tập bơi, cho trẻ học bơi
- Nhà trường lưu ý dặn dò học sinh cuối năm nghỉ hè về vấn đề đi bơi, hay chèo thuyền vùng sông nước rất nguy hiểm, không an toàn, cần có sự giám sát.
- Đội cứu hộ lưu động: việc tổ chức các đội, nhóm cấp cứu lưu động là rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay của nước ta khi trình độ dân trí chưa cao, người dân còn quá nhiều sai lầm trong sơ cứu đuối nước dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho trẻ và gia đình.
Để tìm hiểu thông tin về các khóa học sơ cấp cứu, các thông tin khác về sức khỏe, hãy theo dõi thông in tại chuyên mục kiến thức trên website Safi và kênh facebook Dr Safi - Đào tạo sơ cấp cứu chuẩn Hoa Kỳ. Chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin các khóa học và chia sẻ các thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu.
Doanh nghiệp có thể đăng ký học sơ cấp cứu tại đây
SAFI hân hạnh đồng hành cùng 1Life túi sơ cứu cung cấp túi sơ cứu cho cá nhân, trường học, doanh nghiệp.
---------------------------
DR SAFI - ĐÀO TẠO SƠ CẤP CỨU CHUẨN HOA KỲ
“NGƯỜI BÊN CẠNH CỨU NGƯỜI BÊN CẠNH”
Tel: 024.6656.8268 | Email: info@safi.asia | Web: https://safi.asia
VP Hà Nội: Tầng 5 Số 59, Ngõ 5, Láng Hạ, Q. Ba Đình
VP TP. Hồ Chí Minh: P.302, 124 Bạch Đằng, P. 2, Q. Tân Bình